Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:38 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Đây là thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao của nhân dân Việt Nam nói riêng, nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới nói chung; biểu tượng sinh động của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào công tác ngoại giao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ trương nâng đấu tranh ngoại giao thành mặt trận ngoại giao phối hợp với mặt trận chính trị và mặt trận quân sự được Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra tại Hội nghị lần thứ 13 (từ ngày 23 đến ngày 26/01/1967). Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tình hình thay đổi hẳn theo hướng có lợi cho cách mạng Việt Nam, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ bị thất bại nặng nề, Tổng thống Johnson buộc phải “xuống thang” chiến tranh, tuyên bố đơn phương hạn chế ném bom miền Bắc và buộc phải chấp nhận đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 03/4/1968, Chính phủ ta tuyên bố sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với Mỹ để xác định điều kiện thương lượng giữa hai bên, mở đầu cuộc tiến công trên mặt trận ngoại giao tại Hội nghị quốc tế Paris trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Để kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, đặc biệt là phát huy cao nhất sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong cuộc đàm phán, Trung ương Đảng đề ra nhiều chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo sắc bén, kịp thời. Ngày 29/8/1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 đã chỉ rõ: “yêu cầu của ta là làm sao các nước xã hội chủ nghĩa anh em và mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ và giúp đỡ ta mạnh mẽ hơn nữa, tập trung sức ép vào Mỹ, buộc chúng phải chấm dứt không điều kiện và vĩnh viễn việc ném bom miền Bắc, phải chấm dứt xâm lược miền Nam, rút quân Mỹ và quân chư hầu khỏi miền Nam”1. Sau khi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và chuẩn bị mở hội nghị bốn bên, đầu năm 1969, Bộ Chính trị đề ra một số nhiệm vụ của cách mạng, trong đó nhấn mạnh: “Cần tranh thủ các nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ ta về vật chất và chính trị, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ mạnh mẽ, có hiệu quả của phong trào nhân dân thế giới, bao gồm cả nhân dân Mỹ, đấu tranh đòi Mỹ rút nhanh, rút hết và không điều kiện quân ra khỏi miền Nam”2.
Tại Hội nghị lần thứ 16 (từ ngày 08 đến ngày 10/5/1969), Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu: “Ngoại giao phải ra sức tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ lớn nhất của phe xã hội chủ nghĩa và của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam”3. Tiếp đó, Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Trung ương (27/01/1970), nhấn mạnh: “Tiến công ngoại giao có nhiệm vụ phối hợp với đấu tranh chính trị ở trong nước và phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ, đồng thời phối hợp với đấu tranh quân sự. Lúc này vấn đề tố cáo tội ác của địch có một tầm quan trọng rất lớn để khơi sâu lòng căm thù giặc của nhân dân ta, làm cho địch càng bị lên án ở Mỹ và trên thế giới, buộc chúng phải chùn tay một phần nào trong chính sách dã man tàn bạo của chúng”4.
Tính từ ngày bắt đầu đến khi kết thúc đàm phán, với 202 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, hơn 500 cuộc họp báo và 1.000 cuộc phỏng vấn, vấn đề kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong cuộc đấu tranh ngoại giao với kẻ thù đã phát huy tác dụng mạnh mẽ, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần đi đến ký kết Hiệp định. Việc Hiệp định Paris được ký kết phản ánh thắng lợi ở mức cao trong bối cảnh quốc tế có thuận lợi nhưng cũng còn nhiều vấn đề rất phức tạp, Việt Nam tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa, các nước không liên kết, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và hình thành trên thực tế mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Đây chính là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo phương châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh quốc gia với sức mạnh quốc tế trong cuộc đấu tranh ngoại giao với kẻ thù và để lại nhiều kinh nghiệm quý đối với công tác ngoại giao và hoạt động đối ngoại hiện nay, được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:
Một là, luôn quán triệt sâu sắc và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong toàn bộ quá trình đấu tranh ngoại giao. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc; đồng thời là nhân tố quyết định mọi thắng lợi trên mặt trận đấu tranh quan trọng này. Bởi trong suốt quá trình đàm phán tại Paris, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã luôn theo dõi và chỉ đạo sát sao cả về chiến lược và sách lược đối với hai đoàn đàm phán để đi đến ký kết chính thức Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nói cách khác, bao trùm lên tất cả là sự lãnh đạo sáng suốt, bản lĩnh vững vàng của Đảng, nhờ đó chúng ta có được định hướng đúng, đối sách phù hợp và giữ vững niềm tin trong mọi hoàn cảnh để đi tới thắng lợi cuối cùng. Ngày nay, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường, bài học này vẫn vẹn nguyên giá trị. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại,... Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”5. Đồng thời, nhấn mạnh: “Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế”6. Đây là quan điểm nhất quán, định hướng quan trọng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao trong điều kiện mới. Vì vậy, thời gian tới, chúng ta cần nắm vững, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả những định hướng đó trong thực tiễn; trong đó, cần tiếp tục kiên trì, kiên quyết về chiến lược, mềm dẻo, khôn khéo về sách lược, chủ động tạo thế đan xen lợi ích,... trong công tác ngoại giao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cũng như kiến tạo và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hai là, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các lĩnh vực tạo sức mạnh tổng hợp cho đấu tranh ngoại giao. Trong suốt quá trình đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris, sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, giữa “đánh” và “đàm”, giữa các binh chủng, lực lượng,... hợp thành thế trận chiến tranh nhân dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trên thực tế, thắng lợi của Hiệp định Paris là chiến thắng tiêu biểu về mặt ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, nhưng cũng là thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam cả về chính trị, quân sự. Nếu không có những chiến thắng ở các chiến dịch, trận đánh cụ thể thì Mỹ không bao giờ chịu ngồi vào bàn đàm phán và không bao giờ từ bỏ các yêu sách phi lý của họ. Trong đó, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 đã đập tan hoàn toàn ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chính phủ Mỹ phải trở lại bàn đàm phán ký kết Hiệp định Paris. Vận dụng bài học này, để khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam trong các cuộc đàm phán quốc tế, cần thể hiện vị thế của đất nước ở nhiều lĩnh vực, nhất là chính trị, kinh tế, văn hóa và cả quân sự. Như trong các đàm phán thương mại song phương, có đối tác đưa ra các yêu sách phi lý về nhân quyền, về các vấn đề nội bộ, về nền kinh tế thị trường,… thì bên cạnh việc kiên trì giải thích, thuyết phục, chúng ta phải chứng minh bằng các lý lẽ cụ thể, đưa ra những bằng chứng xác đáng về các thành tựu bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, về uy tín của đất nước trên trường quốc tế, về tính chất hội nhập toàn diện, sâu rộng và cả những đặc điểm thị trường rõ ràng của nền kinh tế Việt Nam. Nhờ đó, các cuộc đấu tranh ngoại giao gần đây, chúng ta đạt nhiều kết quả rất tích cực, tạo thế và lực mới của một đất nước Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong mắt bạn bè quốc tế.
Ba là, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế nhưng phải dựa vào sức mình là chính. Trong suốt quá trình đàm phán tại Paris, Việt Nam đã có được sự ủng hộ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em; chúng ta đã tranh thủ được sự đồng tình của dư luận quốc tế, kể cả dư luận tiến bộ Mỹ, góp phần tạo nên mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ công bằng và công lý cho Việt Nam. Có thể khẳng định, phong trào đoàn kết quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là phong trào đoàn kết quốc tế rộng lớn chưa từng có trong lịch sử. Đó chính là sức mạnh to lớn, có ý nghĩa quan trọng, tạo sức mạnh tổng hợp để Việt Nam đạt được thắng lợi cuối cùng. Bên cạnh đó, Hiệp định Paris còn là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, những người đã đồng hành ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, dõi theo từng diễn biến trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán tại Paris. Hiệp định là sự minh chứng hùng hồn cho chân lý: “lấy đại nghĩa, thắng hung tàn, đem chí nhân, thay cường bạo”, củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta. Tuy nhiên, xét về thực chất, nếu bản thân cách mạng Việt Nam không tự lực, tự cường thì không thể đi đến ký kết được Hiệp định và cũng không thể đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Do đó, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế nhưng phải dựa vào sức mình là chính là bài học mang giá trị sâu sắc hiện nay.
Nửa thế kỷ trôi qua, nhưng Hiệp định Paris 1973 vẫn là sự kiện tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, gian khổ, nhưng đầy kiêu hãnh, vinh quang của dân tộc và là dấu ấn sâu đậm trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Đây còn là biểu tượng sinh động của sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2023), cũng là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới bạn bè quốc tế khắp năm châu, trước hết là nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa đã kề vai sát cánh với nhân dân Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế không chỉ là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân ta mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao thế và lực của Việt Nam. Với ý nghĩa đó, những kinh nghiệm được đúc kết từ tiến trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris 1973 là những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần được vận dụng sáng tạo để nâng tầm đối ngoại Việt Nam, góp phần “lập nên thành tựu phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta”7.
Đại tá, TS. TRƯƠNG MAI HƯƠNG _______________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 29, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 386.
2 - Bộ Ngoại giao - Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 236.
3 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 30, Nxb CTQG, H. 2004, tr.104.
4 - Sđd - Tập 31, tr.65.
5 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr.161 - 162.
6 - Sđd, tr.162.
7 - Sđd, tr.11.
Hiệp định Paris 1973,mặt trận ngoại giao,hòa bình,công lý
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội